Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

                     VÔ ĐỀ

       Nói hoài danh dự, lương tâm,
Phải như vàng, bạc mà cầm trong tay.
       Diễn đàn người nói thật hay,
Còn thề thốt sẽ thế này, thế kia!
       Cứ tin mà chẳng nghĩ suy,
Biết người có kế sách gì, mà tin?
       Giữa thời đang loạn đồng tiền,
Chợ trời mua bán, trắng, đen lộn sòng.
       Lương tâm liệu có thật không?

                         11/1984  
           VÔ TÌNH

       Ngồi buồn em khóc một mình,
Đến làn gió cũng vô tình lướt qua.
       Không thèm an ủi người ta,
Lại còn trêu chọc, cứ xoa má hoài.
       Còn làm tung mái tóc dài,
Đang buồn nẫu ruột, còn nài làm quyen.
       Em xinh, em đẹp, tươi duyên,
Sao anh chỉ bước qua bên mỉm cười?
       Đừng vô tình thế anh ơi!
Người mà em định trọn đời yêu thương!...

                      Tháng 6/1986 

            DUYÊN, PHẬN
     
       Em, người tận đẩu, tận đâu,
Cái duyên, cái phận bắc cầu gặp anh.
       Quả cau xanh, lá trầu xanh,
Ông Tơ, bà Nguyệt xe thành lứa đôi.
       Cho em lấp lánh mắt ngời,
Để em lóng lánh nụ cười làm duyên.
       Má hồng càng ửng đỏ thêm,
Gió trêu mái tóc đen huyền đung đưa.
       Duyên tình đâu tự ngày xưa,
Mà đời hạnh phúc bây giờ là đây.
       Vui mừng tay nắm chặt tay,
Về trong tổ ấm, dựng xây gia đình.
      Nhà thêm những đứa con xinh,
Càng làm thêm đẹp duyên mình, tình ta.
       Vợ chồng vui sống thuận hòa,
Mong rằng kiếp nữa cũng là có nhau.

                        26/6/2016
               HAI NỬA

        Xa xưa khi có loài người,
Thiên nhiên hai nửa rạch đôi sơn, hà,
         Nửa là thế giới đàn bà,
Nửa kia còn lại gọi là đàn ông.
        Đàn ông được gọi là chồng,
Đàn bà thành vợ sống chung một nhà.
        Yêu nhau say đắm, thiết tha,
Buồn, vui, sướng, khổ cũng là có nhau.
        Vợ chồng nghĩa nặng, tình sâu,
Bên nhau đến lúc bạc đầu, răng long.
        Ông tơ đã chắp chỉ hồng,
Hai nửa thành một: vợ, chồng một đôi.

                  14/12/2916

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

                QUÊ BÁC

          Về thăm quê Bác, Nam Đàn.
Nghe cô gái giọng Nghệ An ấm trầm.
          Kể về quá khứ trăm năm,
Anh hùng dân tộc Việt Nam ra đời.
          Người làm lở đất, long trời,
Cách mạng tháng Tám, sáng ngời Việt Nam.
         Gian nan đánh Pháp chín năm,
Viết nên trang sử bằng vàng: Điện Biên.
         Ung dung, Bác đẹp như tiên,
Tư duy tài giỏi, tầm nhìn rất xa.
        Đoán rằng cách mạng nước ta,
Năm bốn lăm(1945) đến, sẽ là thành công.
        Đánh Mỹ, mất mát, đau thương,
Chiến công thống nhất non sông vẹn toàn.
        Người về thăm tỉnh Nghệ An,
Cảnh tình lưu luyến ngay lần đầu tiên.
        Về làng quê Bác, Kim Liên.
Ngàn xưa đã ngát hương sen khắp trời.
        Bỗng nghe tiếng mẹ ru hời,
Vang câu Ví Dặm xa vời mênh mang.
        Rặng dừa cao, gọi gió ngàn,
Hàng tre thẳng đứng, xếp hàng trang nghiêm.
        Dẻo dai thành lũy vững bền,
Nắng thiêu, bão dập vẫn lên ngang trời.
        Vào thăm nhà ở của người,
Hai hàng dâm bụt xanh tươi bốn mùa.
        Năm gian nhà lá đơn sơ,
Là nơi lưu giữ tuổi thơ của người
       Ước mơ đi bốn phương trời,
Là Hồ Chủ Tịch, gương ngời năm châu.
       Để hơn năm chục(50) năm sau,
Bác về chiến thắng mái đầu ngẩng cao.
       Về thăm quê ngoại: Làng Chùa,
Chính nơi đây, Bác ngày xưa sinh thành.
        Ba gian nhà nhỏ mái tranh,
Tràn đầy hạnh phúc, ngọt lành yêu thương.
        Cha ngồi đọc sách giữa phòng,
Ba con học chữ, lại cùng đùa chơi.
        Mẹ ngồi dệt vải gian ngoài,
Tiếng thoi lách cách vang hoài thời gian.
        Mẹ là: Mẹ Hoàng Thị Loan,
Suốt đời gánh, vác, lo toan việc nhà.
        Cũng là mẹ của nước ta,
Bởi vì mẹ đã sinh ra anh hùng.
        Người đưa cách mạng thành công,
Tiền đề thống nhất non sông nước nhà. 

        Đường về, non nước bao la,
Nghe câu ví dặm thiết tha nghĩa tình,
        Đây vùng nhân kiệt, địa linh,
Non xanh, nước biếc như tranh họa đồ. 
        Là quê hương của Bác Hồ,
Người cha gây dựng cơ đồ Việt Nam.
                             13/11/2016


THÀNH PHỐ SƠN LA
Đi trong thành phố Sơn La,
Nhiều nhà lộn xộn, nhô ra, thụt vào.
Nhà thì thấp, nhà vút cao,
Nhiều vùng nhếch nhác khác nào nông thôn.
Có nhiều xã mới lên phường,
Trong thành còn có nhiều đường không tên.
Số nhà còn bị bỏ quên,
Khách du ngơ ngác, đảo điên tìm nhà.
Mặt đường ai cũng cố ra,
Hướng xoay mọi phía như là cãi nhau.
Vì không qui hoạch từ đầu,
Đến đâu hay đó biết đâu mà lường.
Sơn La thành phố giữa rừng,
Như đang lạc lối biết đường nào ra.
24/12/2016
                  MỐI TÌNH ĐẦU

           Đẹp lung linh mối tình đầu,
Chẳng may lại chẳng có nhau trong đời.
           Xa nhau góc bể, chân trời,
Trăm năm vẫn khắc tim người tình yêu.
           Ai mà cay đắng trăm chiều,
Trái tim rỉ máu, càng nhiều nhớ thương.
          Lại người đứt gánh giữa đường,
Tình đầu lặn lội bốn phương tìm người.
         Lại càng oán đất, giận trời,
Sao bỏ người lại bên đời bơ vơ.
         Người đi xa lắc, xa lơ,
Riêng ai vẫn mộng, vẫn mơ giữa đời.
        Người đi hạnh phúc với người,
Đã thề sao chẳng giữ lời sắt son.
        Đợi chờ ngày, tháng mỏi mòn,
Đầu ai bạc trắng lòng còn ước mơ.
        Mối tình đầu đẹp như thơ,
Trăm năm ai có đợi chờ tình ai?
                   31/12/2016




  
                 ĐẠI TƯỚNG

         Nghĩ về đại tướng nước ta,
Từ thầy dậy sử thành ra anh hùng.
         Tài năng không học ở trường,
Mà rèn luyện tự đời thường mà nên.
         Chỉ huy đánh trận Điện Biên,
Quyết tâm đánh chắc làm nên sử vàng.
        Bác Hồ: đại tướng - phong hàm,
Suốt đời đại tướng chỉ làm tướng thôi.
       Thiên tài quân sự hơn người,
Tiếng hô “ Thần tốc” vang trời Miền Nam.
       Việt Nam thắng Mỹ vẻ vang,
Viết lên trang sử bằng vàng ngàn thu.

       Người về đảo Yến, Vũng Chùa,
Gió ru, biển hát bốn mùa yêu thương.
       Người yên nghỉ giữa quê hương,
Mà danh vẫn vọng bốn phương đất trời.
       Dòng người từ khắp muôn nơi,
Ngày, ngày vẫn đến bên Người khói hương.
       Người dân cả nước yêu thương,
Người còn sống mãi trong lòng nhân dân.

                      4/10/2016 
            CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

            Sơn La rừng núi bao la,
Nhiều cánh đồng ở khuất xa chân trời.
           Là công sức của bao người,
Cần cù lao động nhiều đời mới nên.
          Hòa vào phong cảnh tự nhiên,
Có dòng suối chảy cạnh bên hiền hòa.
         Xa xưa từ thuở ông cha,
Đưa nước tưới ruộng rất là giản đơn.
         Làm phai chắn nước giữa dòng.
Dẫn nước lên đồng theo những con mương.
         Có khi phai mới làm xong,
Nước về cuốn mất, phí công bao người.

         Ngày nay đi đến muôn nơi,
Công trình thủy lợi thay trời làm mưa.
         Đập bê tông nối hai bờ,
Cho đồng trồng lúa bốn mùa tươi xanh.
         Đâu còn mương đất mỏng manh,
Mương bê tông chạy uốn quanh sườn đồi.
        Công trình là sức bao người,  
Bao ngày lao động xây đời vui chung.
        Có người tính toán thủy công,
Nhiều người đo đạc toàn vùng thấp cao.
       Người lo móng đập nông, sâu,
Người thi công trải dãi dầu nắng mưa.
       Thiên nhiên cũng phải chịu thua,
Nước về hứa hẹn những mùa bội thu.
       Sơn La đồng lúa bây giờ,
Tưới, tiêu thuận lợi, ước mơ bao đời!!!  
                      10/12/2016



               BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG

           Nhớ về Bố Cái Đại Vương,
Nhà vua sức khỏe phi thường ngày xưa.
          Đường Lâm, làng có hai vua*,
Xa xưa nằm giữa âm u cây rừng.
          Là nơi thú dữ vẫy vùng,
Cọp, beo, bò tót sống cùng hươu, nai.
         Trâu rừng về phá lúa, khoai,
Đêm về hổ dữ bắt người, đau thương!
         Anh hùng, tù trưởng Phùng Hưng**,
Quyết tâm vào tận trong rừng trừ beo.
         Một mình ông dám rất liều,
Cởi trần ngồi đợi qua nhiều thời gian.
        Khi mà hổ dữ đi ngang,
Ông đè hổ xuống giữa hàng cây xanh.
        Ông mang hết sức bình sinh,
Làm con hổ đã thành tinh yếu dần.
         Rồi dồn sức mạnh toàn thân,
Đấm cho hổ chết, hổ gầm ầm vang.
         Trong rừng thú dữ dần tan,
Dân vui cày cấy xóm, làng bình yên.
         Khi ông khởi nghĩa dứng lên,
Nhân dân ở các vùng, miền về theo.
        Nghĩa quân là các dân nghèo,
Cùng ông đánh giặc lập nghiều chiến công.
        Giặc tan, giành lại non sông,
Xưng vua: Bố Cái Đại Vương nước nhà.
        Sử xanh còn mãi nước ta,
Ghi danh vua khỏe, tài ba người  trời.
         Còn lưu danh mãi muôn đời,
Ông vua đả hổ của người Việt Nam.
         Ai về làng cổ Đường Lâm,
Vào đền để thắp nén nhang cho người.
                      2/12/2016


Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

              CAO BẰNG

      “Nàng về nuôi cái cùng con,
Để cho anh trẩy nước non Cao Bằng”.
      Ngày xưa, dưới những đêm trăng,
Khi còn thơ bé được nằm trong nôi.
      Người thân ru, hát à ơi,
Cao Bằng đã được nhiều người nhắc tên.
      Như là xứ sở thần tiên,
Một vùng xa lắc, là miền ước mơ.
      Quê hương biên ải xa mờ,
Vang lên trong những vần thơ trữ tình.
       Khi về với đất nước mình,
Bác hôn mảnh đất thanh bình biên cương.
       Trong hang Bác viết luận cương, 
Cứu dân, cứu nước vạch đường đấu tranh.
       Lê nin, dòng suối mát lành,
Núi cao Các Mác xây thành niềm tin.
       Nay thành di tích giữ gìn,
Đã thành địa chỉ trong tim mọi người.
      
       Về vùng Trùng Khánh xa xôi,
Thăm thác Bản Giốc giữa trời nước reo.
       Qua bao vách đá treo leo,
Đường lên Mã Phục đỉnh đèo mờ sương.
     Chính ngay biên giới Việt – Trung,
Có bao ngọn thác nước tung kín trời.
       Nắng soi non nước rạng ngời,
Cầu vồng hiện trước mắt người lung linh.
       Giữa làn sương, khói vô hình,
Cảnh đời mà lại nghĩ mình đang mơ!
       Nước sông trong vắt như thơ,
Thuyền đưa du khách lững lờ lướt trôi.
       Trông xa cảnh đẹp tuyệt vời,
Thác như dải lụa giứa trời ai quên?
       Thăm ngôi chùa giữa vùng biên,
Mở lòng từ thiện giữa miền núi non.
       Là chùa Phật Tích Trúc Lâm,
Giữa trời ghi một chữ Tâm sáng ngời.

       Cao Bằng mảnh đất xa xôi,
Xưa, nay mãi để lòng người ước mong.
      “Nàng về nuôi cái cùng con,
Để cho anh trẩy nước non Cao Bằng”.

         26/5/2016
                    ĐÀN BẦU

       Nước non vang tiếng đàn bầu,
Như hồn dân tộc lắng sâu ngàn đời.
       Đàn bầu có một dây thôi,
Mà bao cung bậc hát lời thiết tha.
       Bạn bè thế giới gần, xa,
Thấy hồn người Việt nghe qua tiếng đàn.
       Đất này, giặc đến, giặc tan,
Đàn vui ca khúc Việt Nam anh hùng.
       Tiếng đàn thánh thót, rưng rưng,
Xót thương nước mất đã từng xảy ra.
        Nay đàn rộn rã, thiết tha,
Hát mừng đất nước, ngợi ca hòa bình.
        Ngàn xưa trên đất nước mình,
Đàn là bầu bạn chung tình tâm giao.
        Đất này cả triệu năm sau
Vẫn vang những tiếng đàn bầu lắng sâu.

                         27/10/2016      
            CÔ GÁI HMÔNG

Tôi gặp em cô gái Hmông,
Không phải trên vùng cao, chập trùng núi đá.
Mà giữa thành phố Sơn La.
Em không mặc váy xòe, áo hoa.
Tay không cầm nón lá.
Mà mặc áo chẽn, quần bò.
Em thuê một gian hàng to,
Giữa trung tâm hội chợ.
Em bán áo quần nhiều màu sặc sỡ.
Tôi hỏi mua.
Em thách giá trên trời!
Tôi chê – thì em toét miệng cười.
Anh trả giá đi, có lời là em bán.
Ôi cô gái Hmông xinh xắn.
Nghe em nói, em cười.
Mà lòng tôi rối bời.
Thấy cuộc đời đang đổi mới.
Em không đi nương, mà đi vào hội.
Em thay đổi cách kiếm tiền.
Em đùa vui, cười nói tự nhiên.
Nào ai biết em là người dân tộc.
Hội chợ tan, mai em đi nơi khác.
Hội chợ năm sau, em có về không?
Tôi chờ em cô gái Hmông!

                       2/10/2016
             NGƯỜI RỪNG

        Cả đời sống ở Sơn La,
Quá lâu cũng biến tôi ra người rừng.
        Sơn La rừng núi chập trùng,
Non cao, rừng thẳm đã từng sống qua.
        Ngủ đêm, đâu cũng là nhà,
Người Hmông, người Thái… đều là anh em.
        Ăn nhiều sôi bốc cũng quen,
Mẳm pa*, nậm pịa**lại thèm được ăn.
        Xa quê từ tuổi trăng rằm,
Đến nay đã năm mốt(51) năm, thật dài.
        Về quê giờ chẳng biết ai,
Người thân cứ phải giảng hoài ai kia.
        Dù hồn vẫn nặng tình quê,
Biết bao giờ mới chuyển về quê hương.
        Người ta buôn bán đủ đường,
Mình thì chỉ có đồng lương nuôi đời.
       Có tiền xoay đất, chuyển trời,
Không tiền đành chấp nhận thôi… người rừng.
       Đói, no gian khổ đã từng,
Gừng cay. măng đắng xin đừng quên nhau.
       Núi, rừng quen sống đã lâu,
Thì non nước Việt ở đâu cũng nhà.
       Mình nay tuổi đã quá già,
Sơn La rừng, núi nhận là quê hương.

                 24/11/2016
       CHỢ MÈO VẠC

Chợ phiên Mèo Vạc,
Trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
Mỗi tuần chỉ họp có một lần,
Vào đúng ngày chủ nhật.
Người dân vùng cao sống hiền hòa, chân thật,
Trong các bản, làng trên núi đá cao nguyên.
Dân vùng cao thích đi chợ phiên,
Nên họ dậy từ rất sớm.
Đi trên các con đường ngoằn ngèo, uốn lượn,
Để đến chợ cho kịp giờ.
Người vùng cao đến chợ không nặng bán mua,
Mà rất vui khi được giao lưu, gặp gỡ,
Người ta gọi là đi chơi chợ,
Bạn bè gặp nhau tay bắt, mặt mừng.
Họ mời nhau bát thắng cố thơm lừng,
Cùng bát rượu ngô nóng hổi.
Người vợ hiền kiên trì đứng đợi,
Mong chồng đừng ham vui mà uống quá say.
Để đến cuối ngày,
Vợ dìu chồng đi, bóng liêu xiêu in vào vách núi.

Người về chợ phiên đông như trẩy hội,
Khăn, áo, váy thêu hoa, rực một khoảng trời.
Những cô gái trẻ, tuổi mười tám, đôi mươi,
Nép vào nhau, thẹn thùng e lệ.
Những chàng trai Mông cười đùa vui vẻ,
Xoay tròn trong điệu múa khèn.

Người dân mang đến chợ phiên,
Những sản phẩm gia đình chăn nuôi, trồng trọt,
Những mớ rau tươi, những chùm quả ngọt,
Con lợn, con dê và những con gà.
Có một khu để bán ngựa, trâu, bò.
Những vị thuốc rừng, tỏa hương thơm ngát.
Chiếc váy Mông thêu nhiều màu sắc,
Được khách du lịch tìm mua.
Một dãy hàng dài người bán rượu ngô,
Khách mới nếm thôi đã say ngây ngất.

Ơi chợ phiên Mèo Vạc,
Khách du đến thăm, chẳng muốn ra về.

                     24/4/2016 
NGƯỜI ĐI TIÊN PHONG
( Tư vấn thủy lợi Sơn La )
Thơ: Nguyễn Đề Kháng
Photo: Lại Đức Văn
Ai về thăm tỉnh Sơn La,
Xem nhiều đồng lúa mượt mà, tươi xanh.
Bản, làng thơ mộng bao quanh,
Quê hương trù phú, yên lành ấm no.
Nhớ về năm, tháng ngày xưa,
Nước không đủ tưới, mất mùa quanh năm.
Làm nhiều mà chẳng đủ ăn,
Chiêm khê, mùa thối khó khăn vô cùng.
Có đoàn cán bộ về làng,
Giúp dân đo đạc cánh đồng núi non.
Chọn nơi xây đập chặn dòng,
Lại tìm đường để tuyến mương kéo dài.
Tưới đồng trong, tưới đồng ngoài,
Tìm kênh thoát nước khi trời mưa to.
Có người thiết kế chuyên lo,
Đập, mương chắc, đẹp lại vừa tiền thôi.
Công trình thủy lợi khắp nơi,
Tưới, tiêu đã thỏa lòng người ước mong.
Là nhờ người đi tiên phong,
Góp công để những mùa vàng ấm no.
26/12/2016
              CHÚC TẾT

Đã bao năm, thành tục lệ rồi,
Tết đến, xuân về khắp mọi nơi,
Người ta lại phong bao chúc tết,
Toàn tiền chùa, tiền của dân thôi.
Quan bé, quan to đều hưởng lợi,
Ai chúc dân nghèo, đói tả tơi?
Năm nay thủ tướng ban lệnh cấm,
Mang lại niềm tin, hợp lòng người.

                    19/12/2016
                  CÔNG CHA

        Công cha như núi Thái Sơn,
Tình cha, nghĩa mẹ là ơn sinh thành.
        Bóng cha chăm chỉ, hiền lành,
Chở che, ta được học hành lớn lên.
        Nước mình đánh giặc liên miên,
Có bao nhiêu lớp thanh niên lên đường.
        Đến ngày thống nhất non sông,
Có bao bà mẹ được phong anh hùng.
       Cha nào có được tính công,
Dù cha cũng phải còng lưng nuôi đời.
       Nay khi cha đã già rồi,
Lại mang nhiều bệnh trong người cha ơi!
       Con bên giường bệnh của người,
Chỉ mong bác sĩ, đất, trời thương cha.
       Mong cha bệnh tật chóng qua,
Để cha lại được về nhà yên vui.
       Chúng con lại thấy cha cười,
Bóng cha đẹp mãi giữa đời mênh mông.

                     23/12/2016   
                  BẾN ĐỢI

          Từ ngày cô lái lấy chồng,
Bơ vơ bến đợi nằm không một mình.
          Người đi quên bến vì tình,
Bến sông xa vắng bóng hình của cô.
          Bến chờ lẻ bóng bơ vơ,
Buồn tênh ôm lấy con đò lênh đênh.
          Trách dòng nước bạc mông mênh,
Ngày, ngày thôi cứ vô tình trôi qua.
          Bến chờ nằm đợi xót xa,
Đã lâu, chắc hẳn người ta quên mình.
          Bến chờ một dạ đinh ninh,
Ghi xương, khắc cốt bóng hình người đi.
          Đơn phương yêu, mối tình si,
Người đi, đi mãi biết khi nào về.

                   6/12/2016
           NỤ CƯỜI CHIẾN THẮNG

          Trăm năm chị vẫn không già,
Nụ cười chiến thắng* vẫn là tươi nguyên.
          Kẻ thù kẹp chặt hai bên,
Ung dung chị vẫn hồn nhiên tươi cười.
          Ai chụp ảnh chị giữa đời?
Cho toàn thế giới biết người Việt Nam.
          Anh hùng, dạ sắt, gan vàng,
Giặc thù tra tấn hiên ngang vẫn cười.
          Tòa tuyên: Hai chục năm trời,
Chị cười: Lũ Ngụy các người được bao?
         Nụ cười chiến thắng đẹp sao!
Ngàn năm sau vẫn tợ hào: Việt Nam!
                      26/12/2016
·        Chị Võ Thị Thắng bị giặc kết án 20 năm tù khổ sai.
Chị vẫn tươi cười hỏi lại: Chính quyền của các ông tồn tại được bao nhiêu mà kết án tôi tù 20 năm?


    VẦNG TRĂNG KHUYẾT

Trăng trên trời thường khuyết,
Chỉ mấy đêm trăng tròn.
Đã muôn đời vẫn vậy,
Trăng sáng với nước non.

Ngàn xưa, những đêm đen,
Ánh trăng thay ánh đèn.
Triệu năn rồi vẫn sáng,
Cùng với người đêm đêm.

Người bây giờ đã quen,
Ánh điện đèn rực rỡ.
Liệu mấy ai còn nhớ,
Vầng trăng non cuối trời?

Trăng muốn hỏi loài người?
Người mấy ai toàn vẹn.
Lại cứ đòi ước hẹn,
Vào những đêm trăng tròn?

Có những vầng trăng non,
Do mặt trời soi rọi.
Mặt trăng cao vời vợi,
Vẫn là quả cầu tròn.

Trăng gắn bó sắt son,
Quay vòng quanh trái đất.
Triệu năm sau xa lắc,
Vẫn cùng trái đất quay...

                29/12/2016